Tướng Lê Quang Lưỡng sinh năm 1932 quê tại tỉnh Bình Dương. Thời niên
thiếu, học hết bậc Tiểu học tại tỉnh nhà ông lên Sài Gòn theo học tại
Trường Trung Học Petrus Ký. Sau khi lấy bằng Thành Chung ông gia nhập
vào quân đội và xuất thân Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cùng
khóa với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Đại Tá
Lê Văn Phát…Ngay khi vừa mãn khóa vào ngày 1 tháng 06 năm 1954 ông tình
nguyện sang Binh Chủng Nhảy Dù và được gởi ngay ra Bắc bổ sung cho Tiểu
Đoàn 5 Nhảy Dù với chức vụ Trung Đội Trưởng của Đại Ðội 52 ND. Từ đó ông
đã trải qua các chức vụ chỉ huy từ cấp Trung Đội Trưởng (Thăng cấp
Trung Úy tháng 6/1956), Đại Đội Trưởng (Thăng cấp Đại Úy tháng 11/1963),
Ban 3 Tiểu Đoàn rồi Tiểu Đoàn Phó.
Năm 1965 Ông được đi du học về “Tác Chiến Trong Rừng Núi Sình
Lầy” tại Mã Lai Á. Tại quân trường ông đã trình bày chiến thuật tấn công
và tác chiến theo quan điểm của riêng ông được tất cả các Huấn luyện
viên đều chú ý và thán phục. Đến tháng 9/1965, về nước với bằng tốt
nghiệp Thủ Khoa, ông được Tướng Dư Quốc Đống chỉ định nhiệm vụ thành lập
và giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2ND tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia
Vạn Kiếp ở Bà Rịa. Trong buổi lể xuất quân của TĐ2ND vào tháng 1/1966,
Đại Tá Lý Thái Như Chỉ Huy Trưởng TTHL/QG Vạn Kiếp đã Chủ Tọa và trao
gắng cấp bậc Thiếu Tá cho Ông.
Sau buổi lể xuất quân, Tiểu Ðoàn 2 ND về trấn giữ vòng đai
Biệt-Khu-Thủ-Ðô vừa chỉnh trang đơn vị, vừa tái huấn luyện tại chỗ.
Chính ông đã đứng ra hướng dẩn tất cả Sĩ quan cũng như binh sĩ về chiến
thuật và kỹ thuật tác chiến của Nhảy Dù và ngay sau đó TĐ2ND đã tham
chiến tại khu phi chiến, tại đồi 1416 trên đỉnh Ngok Wank quân khu II,
tại khắp các mặt trận ở các quân khu và đã từng gây kinh hoàng cho các
đơn vị CS không thua bất cứ một đơn vị Nhảy Dù kỳ cựu nào khác.
Cuối năm 1967, ông sang Okinawa du khảo và học hỏi về Chiến thuật
phản tình báo và chống chiến tranh du kích. Ngày 25/1/1968, ông được bổ
nhiệm giữ chức vụ Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù thay thế Trung Tá Hồ
Trung Hậu, đánh đuổi quân Cộng Sản ra khỏi Huế và Quảng Trị trong trận
chiến “Tổng Công Kích năm Mậu Thân” của CS. Sau trận nầy ông được thăng
cấp Trung Tá tại mặt trận vào tháng 4/1968. Và cũng trong chức vụ
LĐT/LĐIND ông được thăng cấp Ðại Tá tại mặt trận vào tháng 9/1969 sau
các cuộc hành quân tại Tây Ninh để tiêu diệt các đơn vị CS lẩn khuất
trong khu vực Chiến Khu C và đưa chiến trường ra khỏi lảnh thổ Quân Khu
III qua bên kia biên giới.
Kể từ đây, ông đã tham gia hầu hết các cuộc hành quân làm nên
lịch sử của SĐND, như là Chiến dịch Bình Tây Kampuchea 1970, Hành Quân
Lam Sơn 719 trên đất Lào vào tháng 02 năm 1971, giải vây An Lộc tháng
4/1972, Hành Quân Lam Sơn 72 trong chiến dịch Lôi Phong tái chiếm Quảng
Trị vào tháng 06 năm 1972, và cuộc hành quân tái chiếm Thường Đức vào
tháng 08 năm 1974. Trong ba cuộc hành quân đầu, Tướng Lưỡng đã tham dự
với tư cách Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, trong các cuộc hành
quân về sau Tướng Lưỡng đã điều quân với tư cách là Tư Lệnh Sư Đoàn
Nhảy Dù.
Trong trận chiến giải vây An Lộc năm 1972, tài điều binh của ông
đã được đưa vào chương trình nghiên huấn của Trường Quân Sự Command and
General Staff College (Đại Học Chỉ Huy & Tham Mưu) ở Fort
Leavenworth, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ sau hai danh tướng Tôn Tử, một
thiên tài quân sự nổi tiếng của Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc (722 –
480 TCN) và Erwin Rommel (1891 – 1944 có biệt danh là "the Desert Fox")
một tướng lảnh lừng danh của Đức Quốc Xả vào đệ nhị thế chiến.
Trong trận chiến nầy ông đã phối hợp chiến thuật phân tán mỏng
các đơn vị Nhảy Dù để bao vây, dùng các Tổ Khinh Binh đột kích vào các
chốt của CS rồi dùng Phi Pháo và Pháo Binh tiêu diệt địch để phá vở
chiến thuật Chốt Kiềng của CS tại suối Tàu Ô cũng như tại cửa ngỏ Sóc
Gòn của An Lộc.
Đại Tá Lê Quang Lưỡng đã áp dụng yếu tố bất ngờ một cách táo bạo
và thành công khi đổ quân Nhảy Dù xuống Sóc Ton Cui cạnh Đồi Gió để làm
đầu cầu, rồi tiến vào An Lộc. Ông cũng đã nghi binh đánh lạc hướng địch
quân khi liên lạc bằng hệ thống âm thoại báo cho Tướng Hưng rằng ông sẽ
không vào An Lộc mà ngày mai Quân Đoàn sẽ đưa một đại đơn vị nhảy xuống
phía Bắc An Lộc tấn công vào Đồi Đồng Long vào giải cứu các đơn vị bị
bao vây. Ông được Tướng Minh Tư Lịnh Quân Khu III đặt trọn niềm tin và
giao cho Ông trọn quyền quyết định sách lược.
Với kinh nghiệm lão luyên trên chiến trường của một “Quân Đội con
nhà nghèo” với sự yểm trợ tích cực của người bạn đồng minh, ông đã sử
dụng tài tình và hiệu quả lối đánh thần tốc của các Chiến Binh Nhảy Dù
với hỏa lực vô tiền khoáng hậu của phi pháo và các pháo đài bay B52 để
tiêu diệt các đơn vị CS, để giải vây cho các đơn vị thuộc quyền, để mở
rộng vòng đai và rồi hoàn toàn giải tỏa An Lộc.
Tháng 6 năm 1972, Đại Tá Lê Quang Lưỡng được đề cử chức vụ Phụ-Tá
hành-quân cho Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù là Trung Tướng Dư Quốc Đống trong
chiến dịch Lôi Phong tái chiếm Quảng Tri. Cuối tháng 8 năm 1972, ông
được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thăng cấp Chuẩn Tướng, và sau đó ông
được bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ chức vụ Tư Lệnh
SĐND. Lúc bấy giờ Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn Nhảy Dù đặt tại căn cứ
Hiệp Khánh, cách Huế 17 km về phía Bắc.
Tháng 11 năm 1972, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng chính thức được chỉ
định làm Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù cũng là vào lúc VNCH đang đi vào một
giai đoạn cực kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. Sư Đoàn Nhảy Dù do ông chỉ
huy đã phải đương đầu với bao nhiêu thử thách từ phía Cộng quân cũng
như từ phía Đồng Minh và nội bộ của VNCH. Nhưng ông luôn giữ đúng phong
cách của một vị chỉ huy, thi hành trách nhiệm được giao phó một cách
hoàn hảo và suốt đời tận tụy hy sinh cho tổ quốc đến những ngày cuối
tháng 4/1975.
Trận đánh để đời sau cùng của ông là trận Thường Đức từ tháng
8/1974 đến tháng 11/1974 ông đã áp dụng chiến thuật Xa Luân Chiến để 3
Lữ Đoàn Nhảy Dù luân phiên giao tranh và gây thiệt hại nặng nề cho hai
SĐ324B, SĐ304 và một Trung Đoàn của SĐ2CSBV cùng các lực lượng địa
phương.
Năm 1975 vào những ngày tháng lịch sử của VNCH, lệnh từ trung
ương bỏ quân Đoàn I và rút Sư Đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn. Một tin chấn động
cho toàn quân, toàn dân và sự kinh hoàng tột độ ấy đã mở đầu cho sự tan
rã ồ ạt sau đó.
Hơn thế nữa, kể từ ngày SĐND được bốc khỏi Vùng I, quyền chỉ huy
chiến thuật binh chủng Nhảy Dù, quyền xử dụng các chiến binh Nhảy Dù
cũng vượt ra khỏi tầm tay của vị Tư Lệnh. Các đơn vị Nhảy Dù đã bị xé ra
từng mảnh. Mỗi đơn vị một nơi rồi lần lượt bị tan hàng.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975 Tướng Lưỡng di tản sang Hoa Kỳ, với nỗi
ngậm ngùi: “Sầu hận của tim ta ai biết được. Người tươi vui ta mãi mãi
căm hờn”.
Và sau đó ông định cư tại thành phố Hampton tiểu bang Virginia,
đến năm 1979 ông cùng gia đình di chuyển về California thành phố Baker
Field cho đến cuối đời.
Trong khoảng thời gian từ 1976 đến những năm 1982 ông có tham dự
vào một số sinh hoạt trong nỗ lực trở lại VN tổ chức lực lượng kháng
chiến nhưng tiếc rằng Trời đã không chiều lòng người. Sau này ông lui
dần vào im lặng và ít khi lên tiếng. Ông cũng thường sinh hoạt và gần
gũi với Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam từ năm 1980.
Năm 1990 ông cùng Tướng James B.Vaught Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn diễn
hành của Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam trên đại lộ Constitution, Washington
D.C cùng với các đơn vị Nhảy Dù của 32 quốc gia bạn, nhân ngày kỷ niệm
50 năm thành lập binh chủng Nhảy Dù Hoa Kỳ. Nhảy Dù là đơn vị của QLVNCH
đầu tiên và duy nhất từ trước cho đến thời điểm nầy, được mời chính
thức rước ngọn cờ Vàng ba sọc Đỏ giữa lòng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Hai bên
đường dân chúng Hoa Kỳ và đồng bào Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản, đón tiếp
và cổ võ nồng nhiệt.
Ngày 21/9/2005 Tướng Lê Quang Luỡng đã qua đời tại Bakefield
California vì chứng bệnh Gan, thọ 73 tuổi, để lại nhiều luyến thương sâu
xa cho đoàn quân Mũ Đỏ. Đến phút cuối, ông nhất định không cho phủ Cờ
Vàng Ba Sọc Đỏ lên “quan tài của một bại tướng lưu vong”, ông cũng trăn
trối không nhận vòng hoa đưa đám, chỉ nhận tiền mặt để gởi về quê nhà
giúp các đàn em thương tật. Tinh thần Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm và
“Huynh Đệ Chi Binh” của người Anh Cả Mũ Đỏ không ai có thể cao hơn thế
được.
Võ Trung Tín - Nguyễn Hữu Viên
No comments:
Post a Comment