Friday, June 17, 2016

Cuộc Chiến 1972 / Trung Tướng Ngô Quang Trưởng


Nguyên bản Anh ngữ của Cố Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG
Kiều Công Cự chuyển ngữ
(TS/BĐQ trích đăng từng phần)


Chương 5 :BAO VÂY AN LỘC.
       KẾ HOẠCH TẤN CÔNG CỦA ĐỊCH VÀO VÙNG 3/ CT.
       Khi CSBV xua quân băng qua vùng phi quân sự tấn công vào tỉnh địa đầu Quảng Trị trong ngày 30/3/1972 thì Bộ TTM vẫn chưa xác quyết mục tiêu thật sự của địch.
       Về mặt nổi Huế là một mục tiêu trực tiếp.  Huế luôn luôn đặt lên vị trí hàng đầu vì vị trí lịch sử của nó.  Nhưng sự gia tăng lực lượng địch ở Kontum cũng báo trước sự nghiêm trọng ở vùng này.  Đã từ lâu trong lý luận của những nhà chiến lược VN và Hoa kỳ, người ta cho rằng Cộng quân sẽ mở một cuốc tấn công băng qua vùng Cao nguyên đến tận vùng bờ biển phía đông để cắt đứt Nam VN ra làm hai mảnh.  Nếu vậy thì vùng Cao nguyên sẽ trở nên một mục tiêu khá quan trọng, có ý nghĩa hết sức lớn lao về mặt chiến lược.
       Tuy nhiên người ta cũng phải quan tâm đến Vùng 3 Chiến thuật và ước tính luôn luôn Cộng quân sẽ tấn công vào tỉnh Tây Ninh và ngay cả Sài gòn nữa.  Sự bố trí quân và khả năng tiếp vận của địch dọc theo sườn biên giới phía tây với sự xâm nhập dễ dàng vào ra những mật khu trên địa phận của Lào và Miên, đã tạo nên một vấn đề suy luận rằng nỗ lực chính của đối phương có gặp những khó khăn nào hơn.  Điều lợi thế của chúng là những thành công tiên khởi trong bất cứ cuộc công kích nào có thể được tăng cường và trở thành nỗ lực chính; nếu không, nó được xử dụng như một mục tiêu chiến thuật để yểm trợ cho những cuộc tấn công khác.  Sự linh động này rất giống như những điều chúng suy nghĩ khi quân miền Nam rơi vào cuộc tấn công mùa Phục sinh ở Lộc Ninh vào ngày 2/4/1972.
       Bởi vì nó rất gần Sài gòn theo QL13, nên cuộc tấn công vào Lộc Ninh đưa đến một câu hỏi là liệu mục tiêu cuối cùng xảy ra ở đâu?  Có phải là Sài gòn, thủ đô của VNCH, là nơi mà tất cả lực lượng quân sự của miền Nam và những quyết định chính trị đều xuất phát tại đó.
       Sài gòn là một thành phố đông dân với một vùng ngoại ô rộng lớn.  Có rất nhiều con đường tiến thẳng vào Thủ đô và địch thường lợi dụng những con đường này trong những cuộc tấn công chính.  Những con đường tiến sát ở phía tây bắc và tây nam rất quan trọng.  Từ phía tây bắc địch có thể mở cuộc hành quân từ khu Tam giác sắt ( Iron Triangle) gồm có các mật khu Hố Bò, Bời Lời và Long Nguyên.  Những con đường tiến sát chạy dọc theo sông Sài gòn ở phía nam nơi có thể tiếp giáp với Quốc lộ I từ Tây Ninh và chạy theo Quốc lộ 13 từ Bình Long. Từ phía tây nam, cuộc tấn công của địch có thể được mở ra từ vùng Mỏ Vẹt (Parrot's Beak) và mật khu Ba Thu bên Kampuchia rồi băng qua khu vườn thơm của Hậu Nghĩa và cuối cùng dẫn vào Chợ lớn. Đây là con đường ngắn nhất.
       Vùng 3 Chiến thuật có 13 tỉnh vây quanh Sài gòn, trong đó tỉnh Biên Hòa là quan trọng nhất vì có khu kỹ nghệ Biên Hòa, có phi trường quân sự rộng lớn, có căn cứ tổng hợp hay còn gọi là Tổng kho Long Bình là nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lịnh Mỹ tại VN và BCH Lực lượng Dã chiến 2 ( the US II Field Forces ).  Tỉnh quan trọng thứ hai của Vùng 3 Chiến thuật là Tây Ninh, nơi có Thánh địa đạo Cao Đài.  Ở phía tây bắc tỉnh có mật khu nổi tiếng của địch là Dương minh Châu hay còn gọi là Chiến khu C (War Zone C) là nơi ẩn náu của nhóm lãnh đạo quân sự và chính trị của địch.
       Vùng 3 Chiến thuật có 3 SĐ/BB là SĐ5,18 và 25 và 3 Liên đoàn BĐQ là 3,5 và 6.  SĐ25/BB chịu trách nhiệm 3 tỉnh là Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An.  Bộ Tư lịnh SĐ và BCH các Tr/đoàn thường đặt bản doanh tại Tây Ninh.  SĐ5/BB chịu trách nhiệm 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Bình Dương. BTL/SĐ đóng tại Lai Khê thuộc tỉnh Bình Dương.  SĐ18/BB với vùng hành quân mở rộng qua 4 tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy và Bình Tuy. BTL/SĐ đóng tại thị xã Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh.
       Tình hình quân sự ở Vùng 3 CT kể từ cuối năm 1971 và đầu năm 1972 cho đến ngày nổ ra cuộc chiến trong Mùa Phục Sinh, được ghi nhận là rất tốt.  Những đơn vị hoạt động chính của địch gồm các SĐ chính qui CSBV là Công Trường 5,7 và 9 từ vùng biên giới phía tây bắc Kampuchia xâm nhập.  Những mật khu và căn cứ địa của địch đặt dọc theo biên giới như 713, 354 và 708 đã bị quân đội Mỹ và VNCH phá nát trong cuộc hành quân vượt biên năm 1970, bây giờ không còn hoạt động nữa.  Để củng cố lại địch đã thiết lập 3 căn cứ mới vào sâu trong lãnh thổ Miên là 711,714 và 715.
       Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1972, cơ quan quân báo miền Nam xác nhận đã có sự hiện diện của SĐ5CSBV tại Snoul, một thành phố Miên cách Lộc Ninh khoảng 30 cây số về phía tây bắc trên Quốc lộ 13.  Hai SĐ khác của địch là 7 và 9 cũng đang đóng quân tại các đồn điền Dambe và Chup (Kampuchia) nơi mà Quân đoàn 3 dự trù mở cuộc hành quân quan trọng vào tháng 9/1971, nhưng kế hoạch bị ngừng lại khi Tr/tướng Đỗ cao Trí, Tư lịnh QĐ3, đã tử thương vì một tai nạn trực thăng.  Người kế nhiệm ông là Tr/tướng Nguyễn văn Minh, người chủ trương một cuộc phòng thủ chiến lược tại vùng biên giới thay vì đem quân xâm nhập vào những căn cứ của địch ở Miên.
       Tuy nhiên trong thời gian này những vị Tư lịnh QĐ3 và QĐ4 cũng mở những cuộc hành quân riêng lẻ vào sâu trong lãnh thổ Kampuchia, kể cả những cuộc hành quân phối hợp với quân đội Miên, dĩ nhiên họ đều thông báo kế hoạch cho Bộ TTM ở Sài gòn, nhưng Sài gòn chỉ ghi nhận mà không can thiệp vào những quyết định của Tư lịnh Vùng.
       Cả 3 SĐ địch đều đã qua những đợt chỉnh quân và học tập chính trị trong suốt những tháng đầu năm 1972.  Nhưng đến cuối tháng 3, tình báo của ta đã ghi nhận được sự chuyển động của SĐ9CSBV.  Theo một tài liệu mà ta bắt được trong cuộc hành quân ở Tây Ninh thì SĐ9 đang chuyển quân đến căn cứ 708 trong vùng Lưỡi câu (Fishook Area) vào khoảng 24/3/72 và một đơn vị khác của SĐ cũng đang tập trung tại vùng phía nam của căn cứ.  Tr/đoàn 272 của SĐ9 CS cũng đang di chuyển đến vùng phía tây của Bình Long để thay thế cho Tr/đoàn 95C của SĐ đến một địa điểm nào mà ta chưa biết rõ được.  Tài liệu cũng không xác nhận và nhấn mạnh đến đơn vị đang ở phía bắc của trại BĐQ/Biên phòng Tống lê Chân.  Một sự kiện quan trọng được tài liệu này tiết lộ là cả SĐ9 và SĐ7 đã phối hợp hành động cho một chiến dịch trong tương lai.  Các Tr/đoàn và các khung chỉ huy của SĐ9 được huấn luyện đặc biệt về tác chiến trong thành phố.  Cuối cùng thì Tr/đoàn 272 nhận được một sự huấn luyện đặc biệt để hướng dẫn một cuộc tấn công vào một mục tiêu đã được lựa chọn trước.  Sự huấn luyện của địch về tác chiến trong thành phố rất có ý nghĩa vì những cuộc huấn luyện như thế này đã bị gián đoạn từ năm 1969 sau dịp tấn công vào tết Mậu thân (1968).   Không phải đến cuối năm 1971 loại diễn tập này mới được thực hiện tại các đơn vị chính qui của địch mà tài liệu còn tiết lộ SĐ9 đã được học tập đầy đủ phương thức tác chiến trong thành phố, đặc biết nhấn mạnh tầm quan trọng trong khuôn khổ phòng thủ của Quân đoàn 3.
       Cho nên, tài liệu có liên quan đến SĐ9 CSBV cho thấy một ánh sáng đầu tiên là địch đã có kế hoạch tấn công vào Quân đoàn 3.  Mục tiêu là tỉnh Bình Long chứ không phải là tỉnh Tây Ninh như tình báo của ta trước đây đã dự đoán căn cứ theo những dữ kiện thâu thập được theo thời gian của tài liệu đã bắt được cho thấy địch đã chọn nơi này làm thủ đô cho cái gọi là MTGPMN hơn là Tây Ninh.
       Ngày 27/3 tình báo ta cũng nhận được một tin tức quan trọng hơn nữa: một hồi chánh viên đã khai rằng trước đây anh ta thuộc toán trinh sát của SĐ7 có nhiệm vụ đi điều nghiên con đường tiến sát từ Tây Ninh đến Bình Long để chuẩn bị đợt chuyển quân kế tiếp của SĐ7.  Và để xác nhận chắc chắn hơn nguồn tin này, Phòng 7 và Phòng 2 Quân báo thuộc Bộ TTM, cũng tăng cường dò tìm và theo dõi những hoạt động của SĐ7 và SĐ9 dọc theo ranh giới hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long.
       Mặc dầu những thông tin tương đối chính xác này, BTL/QĐ3 vẫn đặt trọng tâm theo dõi vào tỉnh Bình Long, một phần vì địch chưa bao giờ đặt nặng tầm quan trọng ở tỉnh này tuy đã có những trận đánh lớn vào những năm 1966 và 1967 của quân đội Mỹ mở ra để quét sạch SĐ9CSBV trên Quốc lộ 13 hơn là những tính toán về việc thành lập và kiểm soát về chính trị của MTGPMN.  QL13 chắc chắn là một đường tiến sát chính hướng về khu vực Sài gòn, nhưng khoảng đường quan trọng nhất đối với địch là khoảng hơi chếch về bắc ở Lai Khê. Con đường này không chỉ quan trọng đối với Quân đội miền Nam là nối kết giữa tỉnh Bình Dương với Lai Khê, Chơn Thành, An Lộc và Lộc Ninh, là khu vực phòng thủ chính và có những trung tâm dân cư dọc theo đó.
       Nếu xét về một vài khía cạnh thì sự sự đánh giá của BTL/QĐ3 chính xác khi đánh giá thấp Bình Long là một mục tiêu chính.  một điểm khác thì Bình Long ở xa các mật khu của địch ở vùng biên giới hơn là Tây Ninh.  Về vấn đề nhân khẩu thì sự đánh dấu trở nên vô nghĩa khi đối chiếu Bình Long 60.000 dân so với 30.000 của Tây Ninh.  Tóm lại, nếu so sánh với Tây Ninh thì Bình Long mất đi nhiều điều kiện để trở thành một mục tiêu chính mà địch quan tâm trừ hai điều sau: thứ nhất, những cuộc hành quân tấn công vào Bình Long sẽ được yểm trợ từ những căn cứ bên Miên tốt hơn bất cứ cuộc hành quân nào vào lãnh thổ của QĐ3, thứ hai là sự phòng thủ của Quân đội miền Nam ở đây yếu hơn.  Lực lượng đặc nhiệm 52 gồm hai Tiểu đoàn bộ binh của Tr/đoàn 52 thuộc SĐ18/BB với hai pháo đội 105 và 155 ly được khai triển ở căn cứ hỏa lực TF-52 nằm trên LTL-17 hai cây số về phía tây của QL13 và 15 cây số về phía bắc An Lộc, để bảo vệ trục giao thông chính giữa Lộc Ninh và An Lộc, thủ phủ của tỉnh Bình Long.
       Cộng quân bắt đầu mở cuộc tấn công vào Vùng 3 Chiến thuật trong buổi sáng sớm ngày 2/4 bằng Tr/đoàn 24 biệt lập với sự yểm trợ của tăng vào căn cứ hỏa lực Lạc Long, sát vùng biên giới 35 Km về phía tây bắc của thành phố Tây Ninh.  Căn cứ này được bảo vệ bởi một Tiểu đoàn của Tr/đoàn 49 thuộc SĐ25/BB.  Sự tấn công bằng pháo và tăng đã làm cho căn cứ thất thủ vào buổi trưa.
       Sự triệt thoái nhanh chóng của căn cứ hỏa lực Lạc Long đã đưa Quân đoàn 3 đến một quyết định cũng nhanh chóng là cho lịnh triệt thoái tất cả những căn cứ dọc theo vùng biên giới Kampuchia.  Những tiền đồn nhỏ và di động này rất khó bảo vệ với lực lượng đông đảo của địch, nên tốt hơn hết là cho di tản về sau và củng cố lại phòng thủ chiều sâu để tránh sự mất mát về người và vũ khí.
       Tiếp theo đó, tất cả những lực lượng bảo vệ những tiền đồn dọc biên giới cũng được lịnh di tản về sau để thiết lập một vòng đai phòng thủ quanh thành phố Tây Ninh, ngoại trừ một Tiểu đoàn BĐQ/ Biên phòng của Th/tá Lê văn Ngôn (Khóa 21 Đà lạt), đang có mặt tại căn cứ Tống lê Chân.  Theo ý kiến của vị Th/tá Tiểu đoàn trưởng chỉ huy căn cứ Tông lê Chân, nếu Tiểu đoàn ông rút lui thì tất cả sẽ trở nên một món mồi ngon cho địch phục kích và tiêu diệt.  Quân đoàn 3 đồng ý theo yêu cầu của ông sẽ giữ lại trại biên phòng này.  Sau ngày ngưng bắn có hiệu lực (27/1/1973) thì trại bị bao vây và tấn công liên tục của những đơn vị thuộc SĐ7CSBV, trong vòng hơn một năm, cho đến ngày Tiểu đoàn di tản vào tháng 4/1974.  Nó trở nên một bằng chứng xác thực về sự vi phạm ngừng bắn của địch và là một bằng chứng hùng hồn về sự kiên trì chiến đấu của quân lực VNCH.
       Những đơn vị biên phòng trên đường rút về thành phố Tây Ninh đã chạm súng lẻ tẻ với địch.  Những quân trú phòng ở căn cứ hỏa lực Thiện Ngôn, cách Tây Ninh khoảng 35 Km về hướng bắc, cũng bị Tr/đoàn 271 Biệt lập phục kích gây thiệt hại một số về nhân mạng và xe quân sự, đặc biệt là những khẩu pháo 105 và 155 ly.  Khi lực lượng tiếp viện của SĐ25 tiến đến vị trí phục kích ngày hôm trước, họ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những vũ khí và những khẩu pháo còn nguyên tại đó.  Lạ lùng hơn nữa là đơn vị tấn công đã rời khỏi nơi này, thay vì tiếp tục phục kích để đánh viện binh, hoặc gây áp lực về thành phố Tây Ninh.  Sự khó hiểu này đã được làm sáng tỏ khi sau đó ta bắt được một tù binh thuộc Tr/đoàn 271và tên này đã khai báo là đơn vị của hắn được lịnh tấn công vào đơn vị rút về từ Thiện Ngôn, chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng vào sự nhận định của Quân đoàn 3, để những đơn vị chính của quân BV mở một trận tấn công chính vào tỉnh Bình Long mà Lộc Ninh là mục tiêu đầu tiên.
       Mặc dầu những chi tiết của kế hoạch hành quân của địch không được biết chính xác cho đến khi mặt trận Bình Long nổ ra thì những thông tin của mặt trận tình báo cũng trở nên dồn dập, giải đáp được nhiều thắc mắc. VC đã tung vào chiến trường Bình Long 3 Sư đoàn và hai tr/đoàn biệt lập với Trung đoàn thiết giáp.  Giai đoạn đầu là đánh lạc hướng bằng cách xử dụng hai Tr/đoàn 24 và 271 địa phương phá rối ở Tây Ninh. Giai đoạn 2 mở cuộc tấn công vào Lộc Ninh bằng SĐ5 CSBV và sau đó xử dụng SĐ9 tấn công và chiếm giữ thị trấn An Lộc, nơi mà bọn chúng muốn đặt cái gọi là thủ đô của MTGPMN ở đây.  Trong khi đó chúng xử dụng SĐ7 để án ngữ phía nam của An Lộc và ngăn chận không cho những đơn vị tiếp viện tiến về An Lộc theo Quốc lộ 13. Sau khi chiếm Lộc Ninh, SĐ5VC sẽ tiến về Tây Ninh, cô lập thành phố và đánh phá những lực lượng của SĐ25 đang bảo vệ ở đây.
       TẤN CÔNG LỘC NINH:
       Cuộc tấn công vào Lộc Ninh mở đầu bằng một cuộc pháo kích trên Quốc lộ 13, cách thị xã An Lộc khoảng 5 Km về phía bắc vào ngày 4/4/72.  Trong khi nhận được lịnh các lực lượng biên phòng triệt thoái về bảo vệ Lộc Ninh thì một Chi đoàn (-) Thiết kỵ có bộ binh của Tr/đoàn 9 thuộc SĐ5 tùng thiết đã bị một Trung đoàn của SĐ5 CSBV phục kích.  Một số còn sống sót đã về đến thị trấn.  Trong buổi sáng sớm ngày hôm sau thì lực lượng phòng thủ Chi khu Lộc Ninh báo cáo là họ nghe tiếng tăng địch đang di chuyển.  Vài giờ sau đó, pháo địch đã bắt đầu và tiếp theo đó là lực lượng địch tấn công vào Chi khu và các căn cứ phòng thủ của Tr/đoàn 9 thuộc SĐ5/BB ở gần đấy.
       Lực lượng phòng thủ đã chống trả quyết liệt và các phi tuần không quân chiến thuật Mỹ đã dội bom vào những đơn vị địch do các cố vấn Mỹ điều chỉnh.  Đến xế chiều đơn vị địch chiếm phi đạo Lộc Ninh đã bị phi cơ Mỹ xử dụng bom CBU dọn sạch.  Sáng sớm hôm sau, ngày 6/4 địch lại mở cuộc tấn công, lần này có sự tăng cường của một Tiểu đoàn thiết giáp, khoảng từ 25 đến 30 chiếc.  Mặc dầu pháo binh của ta đã hạ nòng trực xạ để ngăn tăng địch tiến tới, Lộc Ninh cũng phải di tản vài giờ sau đó.  Một số đông binh sỉ đã về đến An Lộc trong ngày 11/4.  Ngày hôm sau vị Chi khu trưởng Lộc Ninh và cố vấn trưởng cũng đã về đến nơi.
       Trong thời gian Lộc Ninh bị tấn công, BTL/SĐ5 đã ra lịnh cho lực lượng đặc nhiệm 52 xử dụng một Tiểu đoàn tăng cường bảo vệ Chi khu.  Buổi sáng hôm sau Tiểu đoàn này đã đến giao điểm của Liên tỉnh lộ 17 và Quốc lộ 13 vừa chiến đấu vượt qua chốt địch và đã đến được Chi khu.  Trong lúc đó một Tiểu đoàn thứ hai cũng đã quét sạch địch ở phía tây của căn cứ, đã khám phá ra một đơn vị địch đang đào hầm hố chuẩn bị phục kích, Tiểu đoàn đã tấn công trước và gây cho địch những thiệt hại nặng nề.  Liền sau đó, BCH của lực lượng đặc nhiệm bị pháo kích nặng nề ở căn cứ.
       Trong thời gian sau đó, Lộc Ninh phải triệt thoái.  Lực lượng đặc nhiệm 52 cũng nhận được lịnh lui về An Lộc để tăng cường phòng thủ nhưng họ đã bị chận lại và tấn công trên cùng một giao lộ.  Sau lần đụng độ này, LLĐN52 đã ra lịnh cho các đơn vị còn lại dạt vào trong những khu rừng và xử dụng nhiều con đường để về An Lộc.  Mặc dầu có thương vong và mất mát nhiều, LLĐN 52 vẫn gom quân và tăng cường phòng thủ An Lộc.
       BAO VÂY VÀ NHỮNG TRẬN TẤN CÔNG ĐẦU TIÊN VÀO AN LỘC:
       Chỉ sau khi VC mở cuộc tấn công vào quận Lộc Ninh thì Tr/tướng Nguyễn văn Minh, Tư lịnh Quân đoàn 3, quyết đoán rằng thị xã An Lộc là mục tiêu đầu tiên mà địch nhắm tới.  Ông ta cũng nhận định rằng: "Nếu An Lộc bị thất thủ thì Sài gòn sẽ bị đe dọa vì chỉ còn hai chướng ngại vật chính trên Quốc lộ 13 là bắc Chơn Thành và Lai Khê.  Cho nên An Lộc phải được tăng viện ngay và phải giữ bằng mọi giá."
       Tướng Minh đã hành động nhanh chóng.  BTL/SĐ5 dưới sự chỉ huy của Ch/tướng Lê văn Hưng và hai Tiểu đoàn của Liên đoàn 3 BĐQ được trực thăng vận vào ngay An Lộc.  Cuộc không vận đã hoàn tất trong ngày 5/4 mà không gặp một trở ngại nào và ở thời điểm này thì Quân đoàn 3 không còn một lực lượng trừ bị nào hết.
       Trong cuộc họp ngày 5/4 tại dinh Độc Lập ở Sài gòn để duyệt xét tình hình chiến sự trên cả nước, tướng Minh yêu cầu được tăng viện để phòng thủ An Lộc.  Nhưng đòi hỏi của ông không được xét theo mức độ ưu tiên vì mức độ nghiêm trọng khi Cộng quân vượt qua sông Bến hải và tấn công vào Quảng Trị và sự gia tăng một cách đáng ngại của địch ở Vùng 2 Chiến thuật.  Hầu hết những đơn vị trừ bị của Bộ TTM đã tăng cường cho hai Vùng này rồi.  Để tăng cường cho Vùng 3 chỉ còn cách xử dụng một Lữ đoàn Dù duy nhất còn lại hay rút ra một SĐ/BB từ Vùng 4.  Câu hỏi được đặt ra cho buổi họp là đơn vị nào thật sự thích hợp cho Quân đoàn 3.
       Buổi họp này có sự tham dự của Tư lịnh bốn quân khu, tướng Quang, tướng Viên cũng như Tổng thống Thiệu và Thủ tướng Khiêm.  Nhu cầu tăng thêm viện quân cho 4 Quân khu được đem ra bàn luận.  Khi có sự đề nghị đưa SĐ21 cho Quân đoàn 1 thì tướng Quang cho rằng tình hình An Lộc còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những biến cố ở Quảng Trị.  Nếu quân BV thành công trong việc chiếm An Lộc và đặt cái gọi là thủ đô cho MTGPMN tại đây thì sự tổn thương về mặt tâm lý và chính trị đối với chính quyền miền Nam là không thể chấp nhận được.  Tổng thống Thiệu đồng ý và vấn đề xử dụng một SĐ tại Vùng 4 cho Vùng 3 là một vấn đề khả thi.  Đầu tiên là SĐ 9 được đề nghị, nhưng lúc đó với tư cách là Tư lịnh Quân đoàn 4, tôi đã đề nghị SĐ21 với hai lý do sau:
       - Thứ nhất là SĐ21 đã vừa thành công với cuộc hành quân tìm và diệt địch ở rừng U Minh và đặc biệt SĐ21 rất thiện chiến trong những cuộc hành quân di động.
       - Thứ hai, SĐ21 đã từng được chỉ huy bởi tướng Minh nên việc đặt SĐ này trở lại dưới sự điều động và kiểm soát của Quân đoàn 3, sẽ đem lại sự hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất cho SĐ.
       Ngày 7/4 Lữ đoàn 1 Dù đã được lịnh di chuyển bộ từ Lai Khê đến Chơn Thành.  Từ đấy Lữ đoàn sẽ mở một cuộc hành quân tiến về phía bắc để khai thông Quốc lộ 13 dẫn đến An Lộc và giữ con đường tiếp tế huyết mạch này.  Nhưng khi đơn vị tiền quân của Dù tiến qua khỏi bắc Chơn Thành khoảng 6 Km, cách An Lộc 15 Km thì đã bị một Tr/đoàn của SĐ7VC chận lại bằng những vị trí chốt kiền trận địa pháo trên khu vực suối Tàu Ô.  Cộng quân tìm mọi cách để chế ngự con đường này và cắt đứt mọi viện binh và tiếp liệu vào An Lộc.
       Sau khi chiếm được Lộc Ninh, SĐ5VC bắt đầu chuyển về phía nam, hướng An Lộc.  Bắt đầu ngày 7/4, dân chúng địa phương sống ở những vùng phụ cận và công nhân của những đồn điền cao su gần đó cho biết quân chính qui BV đã có mặt trong vùng này.  Một thời gian ngắn sau đó, tất cả những thực phẩm bày bán tại những chợ địa phương quanh An Lộc, đặc biệt là đường tán và thực phẩm khô được bán hết sạch trong ngày.  Tin tức tình báo cho biết những hậu cần của địch đã mua hết những thực phẩm này để giữ lại tiếp tế cho những đơn vị đang di chuyển đến mặt trận.
       Thị xã An Lộc chưa bị tấn công nhưng phi đạo Quản Lợi, 3Km về phía đông, đã bị pháo và bộ binh địch tấn công trong đêm 7/4.  Cuộc tấn công mở ra khá dữ dội đến nổi hai Đại đội bảo vệ phi đạo được lịnh phá hủy hai khẩu pháo 105 ly bố trí tại đây và triệt thoái về thị xã.  Hai ngày sau họ mới về tới đây.
       Phi đạo Quản Lợi bị rơi vào tay giặc khiến An Lộc gần như bị cô lập hoàn toàn, bởi vì sự liên lạc bằng đường không và đường bộ với thị xã đều bị cắt đứt.  Phi đạo Quản Lợi nằm trên một thế đất cao chế ngự hoàn toàn phía đông của thị xã và địch đã xử dụng vị trí này để đặt pháo và điều chỉnh pháo vào thị xã một cách chính xác chết người.  Tuy nhiên SĐ9 VC vẫn chưa mở ra cuộc tấn công mà còn nằm lì tại chỗ nhiều ngày sau đó.  Lý do của sự trì hoãn này, sau này được những tù binh cung khai là những sự chuẩn bị về tiếp vận đã không kịp yểm trợ cho chiến trường này.  Theo kế hoạch của Cộng quân, chúng phải xử dụng một tuần lễ để quấy phá và tấn công những tiền đồn dọc theo biên giới của quân miền Nam và trong thời gian này tiếp liệu sẽ được chuyển về phía trước cho cuộc tấn công vào An Lộc.  Những cuộc di tản của những tiền đồn dọc biên giới do Tư lịnh Quân đoàn 3 đưa ra làm cho kế hoạch của địch bị xáo trộn và SĐ9 phải hoãn lại cuộc ra quân sau khi đã chuyển đến vị trí tấn công.  Đến ngày 7/4, thị xã An lộc đã hoàn toàn bị bao vây và phi đạo dĩ nhiên là không xử dụng được.  Từ ngày 7 đến ngày 12/4 mọi phi vụ tiếp tế đều xử dụng trực thăng và thả dù bằng C123.  Nhưng đến ngày 12/4 thì một chiếc trực thăng Chinook CH47 bị phòng không địch bắn hạ nên việc xử dụng trực thăng cũng phải chấm dứt.  Rồi từ đó đến ngày 19/4 mọi tiếp tế đều bằng thả dù từ C123.  Để đạt được kết quả, phi công phải bay ở cao độ thấp trên bãi thả. Nhưng đến phi vụ thứ 40 thì một C123 cũng bị bắn hạ.
       Trong khi đó, SĐ21 dưới sự chỉ huy của Th/tướng Nguyễn vĩnh Nghi, đã tăng cường cho Quân đoàn 3 và Tr/đoàn 8 thuộc SĐ5 với hai Tiểu đoàn được lịnh tăng cường phòng thủ An Lộc.  Cuộc trực thăng vận hoàn tất trong hai ngày 11 và 12/4.  Như vậy quân số phòng thủ An lộc lên tới 3.000 người kể cả những đơn vị ĐPQ và NQ. Những chiếc Chinook CH47 được xử dụng liên tục để chuyển vận tiếp tế, lương thực, tải thương và di tản đồng bào tỵ nạn.  Tình hình trong thị xã nghiêm trọng hơn từng giờ.  Những toán tuần tiễu của ta ở bên ngoài thị xã đã gia tăng đụng độ với những đơn vị địch ở phía đông bắc và đông nam.  Những người dân tị nạn đổ dồn vào thị xã càng ngày càng đông và họ đều báo rằng họ đã nhìn thấy tận mắt những thiết giáp và pháo của địch.  Tất cả những chuẩn bị cho một tấn công lớn vào An Lộc đã xảy ra ngày 12/4 khi màn đêm buông xuống.
       Trong những giờ phút đầu tiên của ngày 13/4, những đợt pháo dữ dội của địch đã đổ lên thị xã.  Và khi vầng đông vừa ló dạng, những đơn vị phòng thủ ở hưóng tây bắc báo cáo đã thấy những đoàn tăng địch và xe quân sự đang tiến vào thị xã.  Một chiếc AC-130 Specter đang có mặt trên vùng đã tấn công thẳng vào đoàn quân và đã phá hủy một tăng, 4 chiếc xe quân sự của địch.  Cùng lúc đó nhiều tăng khác của địch cũng được báo cáo ở phía bắc của tuyến phòng thủ.  Đến 0600G trận tấn công thứ nhất đã bắt đầu ở những vị trí phía tây của Tr/đoàn 7.  Tuy nhiên những nỗ lực chính hình như được khai triển ở phía bắc với những chiến xa xung kích.  Những lực lượng thiện chiến của địch đã mở ra một cuộc tấn công tràn ngập và lực lượng phòng thủ miền Nam đã được lịnh lui về tuyến sau.
       Một sự kiện nổi bật đáng chú ý là trong những giờ phút đầu tiên của cuộc chiến là tính hiệu quả của loại hỏa tiễn cầm tay M72 LAW.  Đúng vậy chiếc tăng đầu tiên tiến vào thị xã đã bị một anh lính Nghĩa quân xử dụng M72 bắn hạ.  Chiến công này đã được loan truyền rất nhanh trong hàng ngũ quân đội miền Nam và điều này làm gia tăng sự tin cậy của mọi người.  Chỉ trong một thời gian ngắn mà nỗi lo sợ về tăng địch đã hình thành từ lâu bây giờ đã tan biến mất.  Trong lúc này, nhiều chiếc tăng địch đã chọc thủng phòng tuyến và băng qua thị xã, nhưng chúng đã bị lạc lõng và nhìn quanh không có bóng dáng bộ binh tùng thiết.  Có một chiếc T54 chạy dài theo QL13 từ bắc xuống nam mà không nhắm được một mục tiêu nào và đã bị M72 phá hủy.  Cuối cùng có 4 chiếc T54 bị bắn hạ và những chiếc khác bỏ chạy trốn trong khi nhân viên trên xe bắn hết đạn.  Ta bắt sống được nhiều tù binh, một tên đã khai rằng hắn thuộc Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 203 Thiết giáp.  Đơn vị hắn từ miền bắc di chuyển qua hạ Lào rối đến đất Miên.  Đơn vị hắn nhận lịnh chỉ trong ngày hôm trước di chuyển đến biên giới vào tỉnh Bình Long và tham gia vào trận đánh An Lộc.
       Vị tư lịnh Quân đoàn 3 tỏ ra ngạc nhiên vì sự hiện diện của tăng địch ở Bình Long và ông đã trách Phòng 2 đã không cung cấp cho ông những dữ kiện đúng lúc.  Nhưng thật ra từ ngày đầu tháng 10/1971, những bản phúc trình của tình báo ta đã xác nhận sự hiện diện của tăng địch ở vùng Kratie, Dambe và Chup trên lãnh thổ Kampuchia.  Tháng 12/71 vị Trưởng phòng 2 của Bộ TTM quân đội Quốc gia Miên cũng đã xác nhận, hiện có khoảng 30 tăng địch đang ở căn cứ 361 theo những nguồn tin đáng tin cậy ở địa phương.  Tuy nhiên những không ảnh đã không chụp được những dấu vết của tăng địch đang di chuyển phần nhiều vào ban đêm.  Quả thật những bản phúc trình tình báo của quân miền Nam và Kampuchia không thuyết phục được vị Tư lịnh Quân đoàn 3.  Còn địch thì cho rằng sự tham chiến của tăng ở Vùng 3 là yếu tố chính dẫn đến thành công.  Chúng quả quyết chúng có thể chiếm An Lộc từ 5 đến 10 ngày, nếu một sự cố nào thì cũng kéo dài 10 ngày thôi.
       Để bảo đảm sự tấn công và cũng bởi vì nhận thấy những cấp chỉ huy ở cấp trung đoàn và sư đoàn không có bất kỳ một kinh nghiệm nào về việc phối hợp tác chiến giữa bộ binh và thiết giáp, nên đảng ủy MTGPMN đã giao cho BCH chiến dịch trực tiếp điều động và kiểm soát những đơn vị tăng.  Và kết quả thì thật là thảm hại.  Rõ ràng tăng địch được lịnh mở cuộc tấn công và chạy xuyên qua chu vi phòng thủ của ta mà không hề có bất cứ một sự yểm trợ hay bảo vệ nào của bộ binh. Trong ngày 13/4, cả hai Tr/đoàn 271 và 272 thuộc SĐ9 VC đã mở cuộc tấn công tổng lực.  Những đơn vị phòng thủ cũng chống trả mãnh liệt và nhất là sự hiệu quả của những đợt yểm trợ của không quân chiến thuật Mỹ và pháo đài bay B52.  Địch đã bị tàn sát trong ngày này ít nhất là 400 tên mà một nửa là do không quân Mỹ sát thương.  Tuy nhiên bất chấp những thương vong cao, địch tiếp tục mở cuộc tấn công trong ngày 14/4, từ buổi sáng sớm chúng đã mở những cuộc pháo kích phủ đầu, rồi xua thiết giáp cùng một số bộ binh đi theo.  Một chiếc tăng đã tiến đến bản doanh SĐ5/BB khoảng 500m trước khi bị bắn hạ.  Cuối cùng mọi nỗ lực trong ngày của địch cũng mang lấy sự thất bại.
       Trong hai ngày chiến đấu, tinh thần chiến đấu của những lính phòng thủ vẫn ở một mức độ cao đáng chú ý. Tất cả đều hiểu rõ một điều: Họ chẳng còn một sự lựa chọn nào hơn là cố thủ hay là bị tiêu diệt.  Và họ cũng quyết tâm giữ lấy thị xã An Lộc này.  Họ đều nhận thức rằng họ không bao giờ chiến đấu đơn độc, luôn luôn được bảo đảm về tiếp vận và sẵn sàng được tăng viện. S ự nhận thức đứng đắn này lan tỏa trên toàn trận tuyến An lộc.
       Lữ đoàn 1 Dù đã lui ra khỏi khu vực suối Tàu Ô, nhanh chóng được bổ sung và trực thăng vận vào đồi 169 và đồi Gió khoảng 3Km ở phía đông nam An Lộc trong hai ngày 13 và 14/4.  Sự hiện diện của các đơn vị Dù ở những vùng lân cận bị cô lập bên ngoài thị xã đã có một tác dụng hết sức mạnh mẽ đối với lực lượng phòng thủ và dân chúng địa phương.  Niềm tin của họ càng được tăng lên khi nghe tin SĐ21 từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tiến vào khu vực suối Tàu Ô và đang tiến về phía bắc để giải tỏa cho An lộc.  Khi Cộng quân mở lại cuộc tấn công vào ngày 15/4 với sự yểm trợ của 11 chiếc tăng và những chiếc tăng này đã trở nên những mục tiêu cho quân miền Nam đua nhau bắn hạ.  Một trong những chiếc tăng này tìm cách tiến tới Trung tâm hành quân của SĐ5/BB và bắn một quả đạn vào làm bị thương một sỉ quan ban 3 của Tiểu khu Bình Long và hai sỉ quan tham mưu khác.  Khi những khói lửa đã tan đi trong ngày, 9 trong 11 chiếc tăng địch đã bị phá hủy hoàn toàn.
       Mặt trận An lộc hơi dịu lại trong ngày 16/4.  Sau 3 ngày lâm chiến, địch đã mất 23 chiếc tăng, đa số là T54 và T59.  Tuy nhiên một phân nửa thị xã ở phía bắc vẫn còn nằm trong tay địch và những đơn vị địch vẫn bố trí đối diện với ta, nhiều khi chỉ cách nhau một con đường và lực lượng địch vẫn còn tiếp tục bao vây thị xã.
       Những nỗ lực đầu tiên của địch để chiếm lấy An Lộc đã không thành công và Cộng quân đã sửa đổi lại kế hoạch cho những lần kế tiếp.  Chúng quyết định dồn mọi nỗ lực cho lực lượng chính mở cuộc tấn công vào Lữ đoàn 1 Dù ở đồi 169 và đồi Gió ở phía đông nam của thị xã.  Nỗ lực thứ hai này được giao cho Tr/đoàn 275 thuộc SĐ5VC và Tr/đoàn 141 của SĐ7VC.  Nhưng trách nhiệm chính tấn công vào An Lộc vẫn là SĐ9VC.  Để giảm thiểu hiệu quả của những đợt không kích, VC đã cho kéo những súng phòng không đến gần vòng đai phòng thủ.
       Một điều đáng nói là kế hoạch mới của VC đã bị ta bắt được trong ngày 18/4.  Trong một cuộc phục kích trên đường giao liên gần căn cứ Tống lê Chân, BĐQ/ Biên phòng đã bắn chết một số VC và trong khi lục soát đã tìm thấy một trang giấy viết tay của tên Chính ủy SĐ9 VC gởi cho Bộ tư lịnh MTGP.  Bức thư phân tách sự thất bại của cuộc tấn công của SĐ9VC và được qui vào hai lý do sau:
       - Thứ nhất là sự can thiệp của không quân chiến thuật và B52 của Mỹ rất có hiệu quả và đã tàn phá lực lượng tấn công rất nhiều.
       - Thứ hai là sự phối hợp không đồng bộ giữa thiết giáp và bộ binh.
       Bản phúc trình còn ghi rõ kế hoạch tấn công mới vào An Lộc sẽ được bắt đầu vào ngày 19/4.  Với kế hoạch này thì Cộng quân rất tin tưởng việc chiếm đóng An Lộc chỉ là vấn đề thời gian.  Hà nội cũng tin tưởng như vậy cho nên đài phát thanh Hà nội cũng đã thông báo An Lộc sẽ được giải phóng và chính phủ lâm thời của MTGP sẽ ra mắt tại thị xã này trong ngày 20/4/72.
       Trong buổi sáng sớm ngày 19/4, Địch bắt đầu mở cuộc tấn công theo như những diễn tiến đã ghi trong tài liệu mà ta bắt được.  Địch xử dụng pháo 130 ly và hỏa tiễn có đạn đạo thẳng bắn vào thị xã.  Hai Tr/đoàn 275 và 141 mở cuộc tấn công dữ dội vào Lữ đoàn 1 Dù tại đồi 169 và đồi Gió, với sự yểm trợ của 6 chiếc tăng.  BCH/LĐ và TĐ6 Dù ở đồi 169 đã bắt buộc phá hủy hai khẩu pháo 105 ly và rút lui.  Hai Đại đội của TĐ6 Dù cũng phải rút về An Lộc.  Thành phần còn lại của Đại đội Dù cũng bị tấn công chia cắt và phải lui về phía nam.  Sau đó họ đã gom quân và được trực thăng đưa về Chơn Thành.  Tất cả 6 chiếc tăng của địch đều bị phá hủy, nhưng những cao điểm chế ngự về phía đông nam thành phố vẫn nằm trong tay giặc.
       Cuộc tấn công của SĐ9VC một lần nữa bị thất bại.  Những đơn vị của SĐ9VC không thể nào tiến quân qua những vị trí cố thủ của quân miền Nam ở phân nửa thị xã ở phía nam.  Địch phải điều chỉnh lại kế hoạch tấn công, chúng định chuyển quân về phía tây nam đến Quốc lộ 13 và mở cuộc tấn công vào thị xã từ phía nam.  Nhưng kế hoạch này không bao giờ thực hiện được khi địch khám phá trong ngày 21/4 khu vực cầu nối này, ở một đồn điền phía nam thị xã đã được hai Tiểu đoàn thuộc LĐ1 Dù phòng thủ và bảo vệ một cách vững chắc.

No comments:

Post a Comment